Món Gia Đình

Bữa cơm gia đình người Việt được gắn với hình ảnh mâm cơm, thể hiện tình cảm gia đình, trên dưới một lòng đoàn kết. Và trong mỗi bữa cơm, các thành viên san sẻ cho nhau những vui buồn, những thành tựu. Thế nên, bữa cơm là thời điểm tất cả các thành viên nên có mặt, cũng là lúc không khí gia đình trở nên thiêng liêng nhất, đầy đặn nhất.
Tình cảm gia đình là một loại tình cảm mang tính kết nối và hàn gắn, yêu thương và chữa lành tất cả những hỷ nộ ái ố của cuộc đời.
Theo cố Nhà văn Sơn Nam, bữa cơm của người Nam Bộ là bữa cơm khẩn hoang, mở đất. Bữa cơm của những đứa con rời gốc gác, gia đình nơi hoang vu, nê địa. Thế nên, bữa cơm ấy tạm bợ, thưa vắng sự đoàn tụ, có chăng chỉ là vợ – chồng – con cái. Bữa cơm nhọc nhằn, thế nên người Nam Bộ thường làm ít món. Cốt yếu sao đủ no bụng, đủ sức để tiếp tục công cuộc khai hoang, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.
Nhưng dù khắc nghiệt, tạo hoá lại ban cho Nam Bộ sự trù phú, giàu có. Bởi vậy, tính cách phóng khoáng của người Nam Bộ cũng dần hình thành qua bữa ăn. Không chỉ ăn ngon, người Nam Bộ còn phải chú trọng đến số lượng, để khẳng định sự phóng khoáng, giàu có (cả về vật chất và tình cảm).